ĐỌC SÁCH ẨM THỰC CÓ GÌ ZUI?
Chào cả lớp, lại là thầy và chuyên mục giới thiệu sách đây
Thực ra, thầy đã suy nghĩ khá lâu trước khi bắt tay vào làm sách dạy nấu ăn, bởi sự phát triển mạnh mẽ của các kênh trực tuyến, mạng xã hội hiện nay mang đến cho chúng ta gần như mọi công thức nấu nướng trên đời này, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu, vậy thì liệu còn có ai thích đọc sách ẩm thực nữa không?
Điều kỳ lạ là, mỗi lần đi nhà sách, thầy vẫn thấy các chị, các cô, thậm chí các bạn trẻ say sưa rất lâu bên những kệ sách ẩm thực, có chị còn chia sẻ với thầy rằng rất thích sưu tập sách về đồ ăn, thức uống, chị trân trọng đặt chúng lên một chiếc kệ nhỏ trên góc bếp, ngắm nghía, đọc chúng mỗi ngày như một thú vui. Những điều tưởng như nhỏ bé, bình dị đó lại truyền cho thầy động lực to lớn để theo đuổi đam mê của mình.
“Chu choa hén ngon” là cách mà người xứ Quảng quê thầy tỏ bày cảm xúc khi được ăn một món gì đó đúng vị, thơm ngon, hấp dẫn. Đó có thể chỉ là cục cơm cháy chấm ruốc hay miếng ba chỉ nướng cháy cạnh thơm nức mùi sả ớt. Ẩm thực nói rộng ra thì bao la bát ngát mà thu bé lại thì vừa bằng một hạnh phúc, no ấm đời thường.
Thầy nghĩ, những người con xa quê, khi cầm trên tay một cuốn sách thoảng mùi giấy mới, lật giở từng trang để rồi chạm vào từng hương vị thân quen, mang dáng dấp tuổi thơ, miền ký ức ngọt ngào, hẳn là một cảm giác đặc biệt hơn rất nhiều việc xem trên Facebook hay Tiktok. Chính vì vậy, thầy lấy câu cảm thán đó làm tên cho cuốn sách đầu tiên của mình, với mong muốn lan tỏa những giá trị chân chất, nguyên sơ nhất của ẩm thực, dù là dưới hình thức hay phong cách nấu nướng như thế nào.
Thầy không chọn các chuyên mục trong sách theo trình tự của một thực đơn thông thường gồm Khai vị – Món chính – Tráng miệng, mà lại chọn cách tiếp cận gần gũi hơn, là bởi thầy hiểu, ẩm thực bếp nhà là một khái niệm rất riêng, không thể và cũng không cần phải đặt chúng theo một quy chuẩn hay trình tự nào. Trong căn bếp của gia đình bạn, bạn có thể tùy ý chọn “Nhâm nhi” làm món chính hay húp “Xì xụp” bát bún nóng hổi thay cơm. Bởi đơn giản là ăn thì phải vui, ăn món gì cũng được, miễn là ăn cùng nhau.
Thầy và ekip cũng đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức để thực hiện phần hình ảnh cho sách, với mong muốn truyền cảm hứng cho người nội trợ về việc thực hiện một món ăn vừa ngon, lại vừa đẹp. Cách trình bày, trang trí món ăn không chỉ là chuyện của nhà hàng, nó còn là chuyện mang đến niềm vui, sự phấn khích, thu hút và lan tỏa yêu thương cho nhau cho nhau trong mỗi căn nhà. 120 hình ảnh minh họa món ăn cũng chính là 120 cách giúp bạn nâng tầm bữa cơm gia đình mình, không chỉ ở chất lượng, mà là cả hình thức hấp dẫn, bắt mắt.
Đọc sách của thầy rồi, mọi người cũng sẽ hiểu hơn về giá trị của việc định lượng và chế biến nước sốt. Mỗi món ăn được quy chuẩn cụ thể về nguyên liệu hay gia vị cũng như có sốt nêm phù hợp sẽ là bước giải phóng lớn cho người nội trợ trong việc làm ra một món ăn ngon, chuẩn vị. Gần như mọi mọi ăn (món mặn) trong cuốn sách của thầy đều đi kèm với một công thức chế biến nước dùng hoặc nước sốt. Nếu để ý và chịu khó chắt lọc, thầy tin là mọi người từ đó có thể tạo ra một cuốn “từ điển” nước sốt của riêng mình, có thể linh hoạt áp dụng cho nhiều món hay biến tấu với nhiều công thức khác nhau…
Vậy thì, 1 cuốn sách với 120 công thức nấu nướng, chừng đó cách thức bài trí, ra món, chế biến nước dùng, nước sốt và ti tỉ thứ hay ho khác có đủ để bạn muốn sở hữu “Bếp của Nghị – Chu choa hén ngon” chưa?
Đọc sách ẩm thực cũng zui lắm à, thử đi rồi biết.